Bài 6: Mảng trong Javascript

1845

I. Giới thiệu

Mảng là một khái niệm chung trong lập trình. Đánh giá qua, nó khá trừu tượng đối với những bạn mới bắt đầu. Thường thì bạn sẽ không hiểu mảng là gì cho tới khi thật sự cảm thấy nó cần thiết.

Ví dụ, 1996 là năm sinh của mình, và giờ mình muốn lưu năm sinh của mình vào một biến nào đấy. Dễ như ăn kẹo, var namSinh = 1996 là xong. Nhưng mình có tập một tập hợp các hãng xe hơi như Honda, Toyota, BMW, và mình cũng muốn lưu vào một biến tên cars thì sao? Khó nhỉ, trước giờ trong các ví dụ bạn chỉ thấy mình gán cho mỗi biến một giá trị cụ thể, còn giờ mình lại muốn gán nó là cả một tập hợp. Làm sao để làm được điều này? Để trả lời cho câu hỏi đó, thì hôm nay mình sẽ trình bày tới bạn một khái niệm mới có tên là Mảng.

II. Mảng trong Javascript là gì?

Hiểu nôm na, mảng trong Javascript là một kiểu dữ liệu mà có thể lưu trữ được nhiều giá trị khác nhau.

Để khai báo một mảng trong Javascript, bạn có thể tham khảo một số cách sau:

// Cách 1: Khai báo mảng và khởi tạo sẵn các phần tử cho mảng
var cars = ['Honda', 'Toyota', 'BMW'];

// Cách 2: Khai báo mảng, rồi khởi tạo các phần tử sau
var cars = [];
cars.push('Honda'); // Thêm phần tử 'Honda' vào mảng
cars.push('Toyota'); // Thêm phần tử 'Toyota' vào mảng
cars.push('BMW'); // Thêm phần tử 'BMW' vào mảng

Một số lưu ý về mảng trong Javascript

// Bạn có thể khai báo trước cho mảng một số phần tử
// Rồi bổ sung thêm sau cũng được
var cars = ['Honda'];
cars.push('Toyota'); // Thêm phần tử 'Toyota' vào mảng
cars.push('BMW'); // Thêm phần tử 'BMW' vào mảng

// Mỗi một phần tử trong mảng, có thể có một kiểu dữ liệu khác nhau
var person = [
    "Bình", // String
    1996 // Integer
];

III. Một số thao phổ biến với mảng

3.1 Truy xuất phần tử mảng

Mỗi một phần tử mảng trong Javascript đều được đánh một số thứ tự (bắt đầu từ số 0). Nếu muốn truy xuất giá trị của phần tử mảng, chúng ta sẽ truy xuất thông qua biến và chỉ số của chúng.

Ví dụ như sau:

var cars = ['Honda', 'Toyota', 'BMW'];

var firstCar = cars[0]; // Honda
var secondCar = cars[1]; // Toyota
var thirdCar = cars[2]; // BMW

3.2 Duyệt các phần tử của mảng

Để duyệt hết các phần tử của mảng, chúng ta sẽ sử dụng tới vòng lặp trong Javascript mà mình đã giới thiệu cho các bạn ở bài trước.

Ví dụ như sau:

var cars = ['Honda', 'Toyota', 'BMW'];
var totalCars = cars.length; // cars.length sẽ trả về số lượng phần tử của mảng cars

for (var i = 0; i < totalCars; i++) {
    var car = cars[i];

    // Lần 1: i là 0 vậy cars[i] là cars[0] => 'Honda'
    // Lần 2: i là 1 vậy cars[i] là cars[1] => 'Toyota'
    // Lần 3: i là 2 vậy cars[i] là cars[2] => 'BMW'
    console.log(car);
}

3.3 Kiểm tra một biến có phải là mảng hay không

Để kiểm tra một biến có phải là mảng hay không, chúng ta sẽ sử dụng tới hàm Array.isArray(). Ví dụ như sau:

var hoaQua = ["Táo", "Cam", "Bòng", "Bưởi"];

Array.isArray(hoaQua); // true

if (Array.isArray(hoaQua)) {
    console.log("hoaQua là một mảng");
}

Array.isArray(bienCanKiemTra) sẽ trả về true nếu bienCanKiemTra là một mảng, trả về false nếu không phải là một mảng.

3.4 Một số thao tác khác

Giả sử mình định nghĩa một mảng cars như sau:

var cars = ['Honda', 'Toyota', 'BMW'];
Cú phápGiải thíchVí dụ
cars.lengthTrả vè số lượng phần tử có trong mảngcars.length // 3
cars.push('Phần tử mới')Thêm phần tử mới vào cuối mảngcars.push('Audi')
cars.unshift('Phần tử mảng')Thêm phần tử vào đầu mảngcars.unshift('Ferrari')
cars.sort()Sắp xếp các phần tử trong mảng

Còn rất nhiều thao tác khác việc nữa, nhưng do chỉ dừng lại ở mức độ cơ bản nên mình chỉ giới thiệu một số thao tác cơ bản vậy thôi. Còn bạn muốn tìm chi tiết thì có thể đọc thêm ở đây.

IV. Tổng kết

Qua bài viết này, bạn đã nắm được mảng trong Javascript là gì cũng như một số thao tác cơ bản với mảng, tổng hợp lại thì có một số vấn đề cần lưu ý như sau:

  • Các phần tử của mảng luôn bắt đầu từ số 0.
  • Mảng sẽ tiện lợi trong trường hợp bạn muốn gán giá trị là một tập hợp vào một biến.
  • Mỗi phần tử của mảng có thể có một kiểu dữ liệu khác nhau.

Bài viết của mình chỉ ngắn gọn vậy thôi. Hy vọng sẽ giúp bạn hiểu được khái niệm mảng là gì, hẹn gặp lại bạn trong những bài viết lần sau.