Nhập nội dung cần chuyển thành Qr Code vào ô bên dưới, sau đó nhấn “Tạo Qr Code” để tạo mã Qr.
Mục lục
I. Qr Code là gì?
Qr Code hay còn được gọi với nhiều tên khác như mã hai chiều, mã vạch ma trận, là một loại mã được phát triển bởi công ty Denso wave (Nhật Bản) vào năm 1994. Qr Code vốn là vắt tắt của chữ Quick Response Code – tạm dịch là mã phản hồi nhanh, tuy nhiên, chúng ta không nên hiểu nó theo nghĩa được dịch ra Tiếng Việt, mà nên coi Qr Code là một danh từ riêng. Khi nhắc tới Qr Code, bạn hãy liên tưởng tới một hình vuông, có các ký tự loằng ngoằng đen trắng đan xen lẫn nhau có dạng như sau:

Qr Code thực chất là các ký tự (ký tự số, văn bản,…) được mã hóa, khi sử dụng các thiết bị có khả năng giải mã Qr Code (thường gọi là quét Qr Code) thì chúng ta mới thấy các ký tự đó.
Hiện tại Qr Code được áp dụng rất nhiều trong các lĩnh vực khác nhau bởi tính “giải mã nhanh”, nhưng ít ai biết rằng thời gian đầu Qr Code chỉ được sử dụng để theo dõi các bộ phận trong sản xuất xe hơi.
II. Ứng dụng của Qr Code
Về cơ bản, Qr Code giúp chúng ta nhập liệu nhanh hơn. Ví dụ, để lưu thông tin của một người vào trong danh bạ, thường bạn sẽ phải nhập rất nhiều thông tin như: số điện thoại, họ và tên, công ty,… Nhưng nếu các thông tin trên được mã hóa thành một Qr Code, thì bạn chỉ cần quét Qr Code là có thể lưu vào danh bạ ngay.
Một số ứng dụng điển hình khác của Qr Code trong cuộc sống:
- Qr Code chứa một url trang web, giúp người quét có thể truy cập nhanh vào trang web đó.
- Qr Code chứa mật khẩu wifi, người muốn kết nối chỉ cần quét Qr Code.
- Qr Code chứa thông tin danh bạ, muốn lưu vào điện thoại chỉ cần quét Qr Code.
- Qr Code chứa số tài khoản ngân hàng, muốn chuyển tiền tới tài khoản đó chỉ cần quét Qr Code.
- …. Rất nhiều ứng dụng khác, tùy vào nội dung mà Qr Code chứa.
Tiện thể quảng cáo luôn, mình có viết một google chrome extension nho nhỏ có sử dụng Qr Code, mời bạn trải nghiệm tại bài viết Share link cực dễ từ máy tính tới điện thoại thông qua extension URL Qr Code
III. Qr Code khác gì với mã vạch truyền thống
Trước khi có Qr Code, chúng ta có một dạng mã vạch truyền thống được gọi là Barcode.

Sự khác nhau cơ bản nhất giữa Qr Code và BarCode là Qr Code có khả năng lưu trữ dữ liệu nhiều gấp hàng trăm lần so với Barcode. Cụ thể, BarCode có thể lưu trữ 20 ký tự, trong khi đó Qr Code có thể lưu trữ tối đã 7.089 ký tự số, hoặc 4296 ký tự chữ.
Ngoài ra Qr Code còn có khả năng chịu lỗi cao hơn BarCode. Nghĩa là nếu một phần Qr Code có bị trầy xước, mờ trong phạm vi cho phép (dưới 30%) thì vẫn có khả năng giải mã chính xác nội dung mà nó chứa đựng. Nhờ đặc điểm này, mà nhiều công ty có thể yên tâm chèn logo của họ vào trong Qr Code mà không ảnh hưởng tới lúc quét mã.
Dù ra đời sau khá lâu so với BarCode, nhưng với các ưu điểm vượt trội của Qr Code, nó đang dần trở thành xu hướng trong các sản phẩm và dịch vụ hàng ngày.
IV. Cách tạo / Quét Qr Code
Qr Code có thể được tạo ra dễ dàng nhờ các công cụ online, hoặc ứng dụng trên smartphone… Như đầu bài viết, chính là một công cụ giúp bạn tạo ra Qr Code nhanh chóng.
Còn việc quét Qr Code thì được hỗ trợ hầu hết trong các smartphone hiện nay, để kiểm tra điện thoại của bạn có tính năng đó không, hãy mở camera và quét thử mã QR sau:

Nếu hiện ra dòng chữ https://phambinh.net,
nghĩa là điện thoại của bạn có khả năng quét Qr Code và ngược lại.
Nếu điện thoại không hỗ trợ, cũng đừng buồn, vì trên các kho ứng dụng (ChPlay với android, App store với Iphone) luôn có rất nhiều ứng dụng giúp bạn quét được Qr Code. Hãy thử tìm kiếm từ khóa “Qr Code” trên đó xem nhé.

V. Tổng kết
Một bài viết ngắn gọn giới thiệu về Qr Code, cũng như công cụ tạo Qr Code online của mình, hi vọng sẽ giúp ích được điều gì đó cho bạn.