Chào các bạn,
Các công cụ tìm kiếm như google, youtube, bing, cũ hơn thì có yahoo đã làm thay đổi thói quen của người sử dụng. Mỗi khi muốn tìm một thứ gì đó, cách đầu tiên mà hầu hết chúng ta đều nghĩ đến đó là “search google”. Kết quả của mỗi lần tìm kiếm trên google là một tập hợp rất nhiều các trang web liên quan tới từ khóa bạn tìm kiếm, nhưng bạn có bao giờ để ý tới thứ tự sắp xếp của các kết quả không? Rõ là kết quả ở những trang đầu tiên sẽ thu hút người dùng nhấp chuột vào hơn rất nhiều so với kết quả ở những trang tiếp theo. Vậy làm thế nào để trang web của bạn lọt top kết quả tìm kiếm? Hay bạn muốn lọt top kết quả tìm kiếm thì phải làm công việc gì? Hãy đọc bài viết này của mình để hiểu hơn nhé.
Mục lục
I. SEO là gì? Mục đích của SEO?

SEO là viết tắt của từ Search Engine Optimization, có nghĩa là tối ưu hóa công cụ tìm kiếm. Mục đích của SEO là làm cho website của mình có vị trí càng cao càng tốt trong danh sách kết quả tìm kiếm theo một từ khóa nào đó.
Hiện nay google là công cụ tìm kiếm phổ biến nhất trên thế giới và nó bỏ xa tất cả các công cụ tìm kiếm còn lại. Nên những người làm SEO (còn gọi là SEO-er) cũng thường chỉ tập trung vào việc tối ưu kết quả tìm kiếm trên google. Vậy có thể nói SEO là công việc làm cho website của mình lọt top kết quả tìm kiếm của google cũng không sai.
Ví dụ mình tìm kiếm từ khóa “Khóa học lập trình web ở Hà Nội” thì có kết quả như sau

Mình liệt kê 4 kết quả đầu tiên. 4 kết quả này đến từ 4 website khác nhau, có nghĩa đây là những trang web đang SEO rất tốt cho từ khóa “Khóa học lập trình web ở Hà Nội” thì mới được lọt vào top kết quả này. Nếu bạn muốn website của mình cũng nằm ở đây, thì bạn phải SEO (tối ưu công cụ tìm kiếm) tốt hơn họ.
II. Làm SEO là làm gì?
SEO là tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, mục đích của SEO là đưa website của bạn lên top kết quả tìm kiếm. Vậy có những cách nào để tối ưu website của bạn, cụ thể bạn làm gì thì website với lọt top? Trong phần này mình sẽ chỉ bạn một vài cách cơ bản nha.
Sau nhiều năm kinh nghiệm các SEO-er họ đúc kết và chia SEO thành 2 phần là: SEO onpage và SEO offpage. Cụ thể như sau
2.1 SEO onpage
SEO onpage là các công việc cải thiện website từ chính bên trong. Bên trong ở đây ám chỉ các thành phần nội dung của website như văn bản, hình ảnh, video hoặc trải nghiệm sử dụng website của người dùng như khả năng hiển thị phù hợp với nhiều kích thước màn hình, tốc độ tải trang web, ít quảng cáo gây khó chịu, UI, UX tốt,… Nói chung là đây là công việc tối ưu đem đến giá trị đích thực cho người sử dụng website của bạn.
Một vài cách để tối ưu SEO onpage như sau
Cải thiện hình ảnh xuất hiện trên website
Khi chèn một bức ảnh vào nội dung trang web bạn phải lưu ý một số vấn đề sau:
- Bức ảnh đó là đẹp nhất.
- Bức ảnh đó có dung lượng nhỏ nhất để không làm ảnh hưởng tới tốc độ trải trang.
- Bức ảnh đó có kích thước hiển thị hài hòa với các nội dung còn lại.
- Bức ảnh đó phải liên quan tới các nội dung xung quanh.
- Có caption mô tả cho bức ảnh.
Với các tiêu chí như trên, khi người dùng lướt qua các hình ảnh trên website họ sẽ cảm thấy dễ chịu, muốn dừng lại để xem thay vì ức chế thoát ngay ra ngoài và lựa chọn một trang web khác.
Cải thiện nội dung trang web
Nội dung trang web phải thật sự đem lại giá trị cho người đọc, ví dụ bạn đang SEO từ khóa “học lập trình PHP cản bản” thì trang web của bạn phải trình bày các nội dung bài học về lập trình PHP cẳn bản, sao cho người dùng truy cập vào sẽ cảm thấy đây chính là cái họ cần. Một vài lưu ý để cải thiện nội dung trang web là:
- Nội dung phải chi tiết, một bài viết phải trình bày trọn vẹn một vấn đề nào đó.
- Nội dung bài viết tối thiểu 500 từ, vì một bài viết có ngọn có ngành thường không dưới 500 từ bao giờ.
- Bài viết có cách tổ chức các tiêu đề mục khoa học, rõ ràng. Như bài viết này, mình trình bày thành các mục một lớn SEO là gì, hai lớn Làm SEO là làm gì,…
- Có duy nhất một thẻ <h1> chứa tiêu đề của trang web.
- Nội dung bài viết phải có nhấn nhá. Những cụm từ, hoặc câu mà bạn muốn người đọc chú ý thì hãy in đậm hoặc in nghiêng chúng.
- Bài viết có tiêu đề rõ ràng, lột tả đúng chủ đề của bài viết.
- Nội dung phải thật sự “chất” làm cho người đọc cảm thấy “phê”, cảm thấy bài viết này sinh ra như chỉ để dành riêng cho họ.
Cải thiện khả năng hiển thị trang web
Người dùng có thể truy cập trang web của bạn bằng các thiết bị có nhiều kích thước màn hình khác nhau từ 5 inch cho tới lớn hơn 15 inch, chưa kể có thể truy cập bằng nhiều loại trình duyệt khác nhau. Vậy để người dùng có trải nghiệm tốt, buộc trang web của bạn phải có khả năng hiển thị tốt trên mọi thiết bị, một số lưu ý giúp bản cải thiện khả năng hiển thị như sau:
- Font chữ kích thước vừa phải. Có nhiều website font chữ cứ bé tí tẹo trong khi trang web thì còn đầy chỗ trống, người dùng vào toàn phải zoom lên mới đọc được.
- Có khả năng hiển thị tốt trên các thiết bị có kích thước màn hình từ 5 cho tới 15 inch. Bạn có thể sử dụng css responsive hoặc thậm chí nhận biết thiết bị truy cập của khách là gì để có cách hiển thị tốt nhất.
- Màu sắc trên trang web hài hòa.
Cải thiện tốc độ tải trang web
Người dùng không bao giờ đủ kiên nhẫn để đợi nội dung của trang web nếu nó tải quá 5 giây. Giả sử bạn đang gấp gáp tìm kiếm một cái gì đấy trên google mà bắt đợi những 5 giây sau mới biết kết quả thì liệu bạn có thoát ra và lựa chọn một kết quả khác không? Một vài lưu ý để trang web có tốc độ tải nhanh hơn là:
- Sử dụng hình ảnh có dung lượng nhỏ. Một bức ảnh không nên quá 200kb khi được chèn vào nội dung bài viết. Bạn cũng có thể sử dụng tinypng để nén ảnh trước khi đưa lên website.
- Sử dụng ít các thư viện frontend nếu không cần thiết. Các thư viện javascript, css thường khá cồng kềnh vì nó là thư viện, nó sinh ra để giải quyết nhiều bài toán chứ không riêng gì bài toán của bạn. Vì vậy hãy ưu tiên code của bạn trước khi sử dụng thư viện nhé.
- Sử dụng lazy load, caching. Đây là cả một lĩnh vực lớn, dăm ba dòng không thể giải thích được hết, trên blog của mình cũng chưa có bài viết về chủ đề này nên bạn chịu khó google từ khóa “lazy load là gì” hoặc “caching là gì” nhé.
Cải thiện UI, UX
UI là User Interface – Giao diện người dùng. UX là User Experience – trải nghiệm người dùng. Việc cải thiện UI và UX sẽ khiến người dùng lưu luyến trang web của bạn hơn, lần sau gặp vấn đề tương tự có thể họ sẽ truy cập thẳng vào trang web của bạn thay vì search trên google. Một vài lưu ý để cải thiện UI, UX như sau:
- Màu sắc hài hòa.
- Logo, menu quan trọng để ở header trang web.
- Click vào logo sẽ phải quay về trang chủ.
- Các thông tin liên hệ, địa chỉ, thông tin thêm sẽ để ở dưới footer.
- Có bài giới thiệu về website của bạn, để người dùng biết được trang web này có phải là trang web họ đang quan tâm không.
Một số thủ thuật trong SEO onpage
Về lý thuyết, khi người dùng có trải nghiệm tốt trên trang web của bạn thì các máy tìm kiếm cũng sẽ đánh giá cao trang web của bạn. Nhưng thực tế không phải vậy, máy móc không thể giống hệt con người (ít nhất là ở thời điểm năm 2019), vậy không hẳn người dùng yêu thích trang web của bạn là các máy tìm kiếm cũng sẽ thích. Chính vì thế ngoài tối ưu cho người dùng, chúng ta cũng sẽ tối ưu cho các máy tìm kiếm bằng một số thủ thuật sau:
Sử dụng thuộc tính alt, title để mô tả nội dung của ảnh: Tất cả anh em developer đều rõ việc đọc nội dung của text đơn giản hơn nhiều so với việc đọc nội dung của ảnh. Vì vậy để làm đơn giản cho việc thu thập dữ liệu của các bot, thì chúng ta hãy sử dụng các thẻ alt, title để mô tả về nội dung của ảnh nhé
<img src="link ảnh" title="mô tả ảnh nằm ở đây" alt="mô tả ảnh nằm ở đây" /> # Tốt
<img src="link ảnh" /> # Không tốt
Kéo léo chèn từ khóa vào mọi nơi trên trang web: Các máy tìm kiếm sẽ kiểm tra sự trùng khớp từ khóa mà người dùng tìm kiếm với nội các dung trang web. Độ trùng khớp càng cao thì càng có nghĩa đó là trang web mà người dùng đang tìm kiếm và được ưu tiên hiển thị lên đầu. Tuy nhiên, bạn phải chèn sao cho thật khéo léo, sao cho thật tự nhiên, nếu không các máy tìm kiếm sẽ cho rằng trang web của bạn là spam, rằng bạn đang cố tình nhồi nhét từ khóa nhằm lên top chứ thực chất chẳng đem lại giá trị gì cho người dùng. Một số vị trí mà bạn nên lồng ghép từ khóa là
- Trong tiêu đề bài viết và trong thẻ <title></title>
- Trong 100 từ đầu tiên của nội dung bài viết và trong thẻ <meta name=”description” />
- Trong các tiêu đề mục của bài viết
- Trong chính nội dung bài viết
Mình nhắc lại là bạn phải thật khéo léo khi chèn từ khóa nhé, không bị cho vào danh sách spam là mệt lắm đấy.
Về cơ bản thì SEO onpage chỉ có vậy, chúng ta chuyển sang phần tiếp theo là SEO offpage nhé.
2.2 SEO offpage
Nếu như SEO onpage là tối ưu trang web từ bên trong, thì SEO offpage là tối ưu trang web từ bên ngoài. Cụ thể nếu trang web của bạn được những trang web uy tín khác nhắc đến thì chứng tỏ web của bạn cũng uy tín không kém. Từ đó các công cụ tìm kiếm sẽ đánh giá cao trang web của bạn hơn và được ưu tiên hiển thị ở các vị trí đầu trong danh sách kết quả tìm kiếm.
Làm SEO offpage, có một khái niệm được nhắc đến rất nhiều đó là backlink. Backlink là những liên kết từ website khác về website của bạn. Giải thích đơn giản hơn cho các developer hiểu, thì backlink chính là thẻ <a href="...">Text link</a>
nhưng thẻ này được đặt trên các website khác, và có link trỏ về website của bạn.
Backlink vô cùng quan trọng đối với SEO offpage, bởi sử dụng backlink là cách duy nhất để một trang web nhắc tới một trang web. Chất lượng của các backlink cũng khác nhau, phụ thuộc vào việc backlink đó nằm trên website nào, website đó là mạng xã hội hay website thường, website đó có uy tín hay không, backlink là dofollow hay nofollow…
Phân loại baclink theo nguồn
Nếu phân loại backlink theo nguồn, mình có thể chia backlink thành 3 loại như sau:
Backlink từ mạng xã hội: Là những liên kết khi khi trang web của bạn được chia sẻ lên mạng xã hội. Điển hình nhất ở Việt Nam đó là Facebook, Youtube,… Tuy nhiên những backlink này thường không được đánh giá cao, bởi bạn hoàn toàn có thể tự chia sẻ bài viết của mình mà không cần ai giúp đỡ. Backlink mạng xã hội thường lấy số lượng để bù vào chất lượng.
Backlink từ các trang diễn đàn (forum): Trước khi facebook trở nên phổ biến, để tạo ra một kênh có thể trao đổi, thảo luận với nhau người ta sẽ nghĩ ngay tới việc thành lập một diễn đàn (hay còn được gọi là forum). Như ở Việt Nam bây giờ vẫn còn một số số diễn đàn hoạt động sôi nổi như là tinhte.vn, vietdesigner.net, webtretho.com.
Cách kiếm backlink từ các diễn đàn là bạn có thể đăng chủ đề thảo luận lên đó (giống như đăng status facebook), hoặc tham gia bình luận vào các bài viết. Trong nội dung chủ đề hoặc nội dung bình luận thì khéo léo chèn link trỏ về trang web của bạn.
Lấy backlink từ diễn đàn đã làm mưa làm gió, gây đảo lộn thứ tự kết quả tìm kiếm ở những năm 2010 – 2011. Khiến các cỗ máy tìm kiếm như google phải đưa ra các thuật toán mới để sắp xếp lại trật tự kết quả tìm kiếm.
Đến nay, chất lượng backlink từ các diễn đàn bị phụ thuộc rất nhiều vào độ uy tín của diễn đàn đó.
Backlink từ những website khác: Backlink dạng này thường là chất lượng hơn những backlink kể trên, chỉ là thường thôi chứ không phải là luôn luôn. Bởi ngoài việc website của bạn thực sự “chất” và được một trang web khác nhắc đến, thì bạn cũng có thể tự tạo cho mình mấy cái web rồi tự đặt backlink lẫn nhau, hoặc kêu gọi 500 anh em quen biết đặt backlink chéo cho nhau… vân vân và mây mây các chiêu trò khác.
Backlink dạng này bị phụ thuộc vào trang web chứa backlink có phải là trang web uy tín hay không? Có cùng chủ đề với trang web được backlink trỏ tới hay không? Vị trí của backlink xuất hiện là trong nội dung bài viết hay chỉ xuất hiện ở dưới footer (như cách mà các trang web đặt backlink chéo cho nhau thường làm)? Rất nhiều các yếu tố khác mà chỉ có các máy tìm kiếm mới biết,… còn thực tế thì các developer như chúng ta hoặc thậm chí các SEO-er lâu năm kinh nghiệm cũng chỉ đám đoán mò.
Phân loại Backlink theo thuộc tính rel
Cùng xem cấu trúc hoàn chỉnh của một backlink bằng html như sau
<a href="link">Text link</a> # Mặc định là link dofollow nếu không có thuộc tính rel
<a href="link" rel="dofollow">Text link</a> # Là link dofollow do thuộc tính rel là dofollow
<a href="link" rel="nofflow">Text link</a> # Là link nofflow do thuộc tính rel là nofollow
Thuộc tính rel trong thẻ <a> có hai giá trị đáng chú ý với các SEO-er đó là dofollow và nofollow.
- dofollow: khi bot của các máy tìm kiếm gặp backlink dofollow trên các trang web, nó sẽ hiểu là nó phải đi sang trang web nằm trong backlink kia nữa. Điều này tốt cho SEO
- nofollow: ngược lại với dofollow, bot tìm kiếm gặp backlink dạng này có có thể có hoặc không đi sang trang web nằm trong backlink kia. Đương nhiên điều này không tốt cho SEO.
Tất cả các loại backlink đều phải được cân bằng về số lượng
Sẽ không có gì đáng nói nếu các backlink đến trang web của bạn là hoàn toàn tự nhiên. Tức là bạn không chủ động chia sẻ lên mạng xã hội, mà khách vào web của bạn thấy bài viết hay quá lên tự share. Bạn cũng không hề đưa link lên các diễn đàn, mà do trang web của bạn có tầm ảnh hưởng quá lớn nên người ta mới tạo chủ đề để thảo luận… Nói chung là mọi thứ đều thuận theo ý trời.
Tuy nhiên có rất ít trang web được cộng đồng đón nhận “nồng hậu”, và có backlink 100% tự nhiên như vậy. Mà thực tế backlink đa phần đều do chúng ta chủ động tạo ra, không bằng cách này thì cách khác. Chính vì vậy mà các bạn phải lưu ý tới việc cân bằng số lượng giữa các loại backlink, sẽ không tự nhiên chút nào nếu trang web của bạn chỉ toàn backlink mạng xã hội, hoặc chỉ toàn backlink từ các diễn đàn,…
Lưu ý rằng các cỗ máy tìm kiếm đang ngày càng thông minh và thắt chặt các tiêu chí đánh giá backlink. Nếu nó phát hiện bạn đang spam backlink thì trang web của bạn có thể sẽ bị phạt nặng tới mức bị xóa bỏ hoàn toàn khỏi công cụ tìm kiếm. Thực tế đã có nhiều SEO-er điêu đứng chỉ vì việc spam backlink quá tay.
2.3 SEO onpage vs SEO offpage
SEO onpage với SEO offpage tuy làm hai công việc khác nhau, nhưng chúng không hề phù định nhau mà lại bổ sung cho nhau. Một bên tối ưu bên ngoài, một bên tối ưu bên trong kết hợp với nhau tạo nên một trang web uy tín, được đánh giá cao bởi các công cụ tìm kiếm.
Nên ưu tiên SEO onpage hay SEO offpage?
Câu trả lời là nên ưu tiên SEO onpage trước. Bởi SEO onpage là các công việc tối ưu nhằm đem đến giá trị đích thực cho người dùng. Bạn cần phải có một cái móng chắc trước khi xây dựng thêm các thành phần khác. Hơn nữa bạn cũng không thể đặt backlink trên các diễn đàn, chia sẻ lên trên các mạng xã hội trong khi trang web trống trơn, hoặc không có nội dung chất lượng.

Người làm SEO có câu – “Content is king”. Tức “Nội dung là vua”, ám chỉ nội dung là thứ quan trọng nhất, ưu tiên được xây dựng trước.
Chỉ làm một loại thôi có được không?
Câu trả lời là có, bạn hoàn toàn có thể chỉ SEO onpage hoặc chỉ SEO offpage (đương nhiên là trang web của bạn vẫn phải có nội dung). Nhưng tại sao bạn lại phải làm như vậy, nếu chỉ làm một loại SEO thì coi như bạn chỉ có 50% khả năng lên top, trong khi đối thủ của bạn sẵn sàng làm 100% cơ mà.
III. Web developer có cần biết SEO hay không?
Tóm lại bài viết này của mình sinh ra là để cho các web developer đọc là chủ yếu. Vậy bạn có thể trở thành developer nếu không biết SEO hay không? Câu trả lời là có, biết SEO hay không không ảnh hưởng tới khả năng lập trình của bạn, cũng không ảnh hưởng tới việc bạn trở thành một developer.
Ơ thế developer đọc bài này phí thời gian à?
Không hề, trong thời buổi cạnh tranh như bây giờ, rõ là một developer biết SEO sẽ có nhiều cơ hội hơn là một developer không biết SEO. Mặc khác, làm web thì ít nhiều gì cũng sẽ động đến SEO, vì chung hệ sinh thái mà, thế nên có hiểu biết một chút về SEO cũng là một lợi thế trong quá trình trở thành developer. Hoặc đôi khi bạn nhận các yêu cầu thiết kế web phải chuẩn SEO từ khách hàng, từ các phòng ban khác trong công ty, thì bạn cũng có một chút kiến thức để mà tư vấn, chém gió,… khách hàng sẽ nể bạn hơn, đồng nghiệp sẽ phục bạn hơn :p.
IV. Kết luận
SEO là cả một lĩnh vực rộng lớn (ngang hàng với lập trình), để mà có thể hiểu hết về SEO thì sẽ tiêu tốn khá nhiều thời gian và cơm gạo của bạn. Bản thân mình cũng không có nhiều kinh nghiệm về làm SEO, những gì mình biết được chủ yếu là nhờ đi học lỏm từ những người khác.
SEO còn là một lĩnh vực “không có tài liệu chính thống”, thật vậy tất cả những kiến thức về SEO đều do cha truyền con nối từ đời này qua đời khác mà hình thành chứ không hề có một tài liệu chính thông nào. Chẳng qua có những khái niệm chính xác quá, được cộng đồng SEO-er cả thế giới công nhận hoặc thậm chí đại diện phát ngôn của các công cụ tìm kiếm công nhận nên nó mới trở thành khái niệm thôi. Vì thế mà làm SEO đòi hòi khả năng nhạy bén, linh hoạt, tinh tế thì mới có thể cảm thận được sự thay đổi tiêu chí đánh giá của các công cụ tìm kiếm, từ đó đưa mới đưa ra chiến lược SEO phù hợp.
Bài viết được viết dựa trên kinh nghiệm và kiến thức cá nhân, xin nhận mọi gạch đá.
(*) Bot: Tất cả các máy tìm kiếm đều có các công cụ thu thập và phân tích dữ liệu, các công này được gọi nhanh là bot.